Hài hòa và linh hoạt
Tỷ lệ thông qua Nghị quyết cao cũng cho thấy sự đồng thuận cao. “Mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác tin tưởng. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) và một số đại biểu khác cũng hài lòng khi những ý kiến của các đại biểu về việc bổ sung một số chỉ tiêu môi trường chủ yếu (tỷ lệ nước thải, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý…) đã được đưa vào Nghị quyết. Cụ thể, Nghị quyết đặt ra mục tiêu có trên 90% dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%...
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 |
Nhìn lại mục tiêu tăng trưởng GDP, nếu chỉ dựa vào mức tăng trưởng thấp của năm 2020 (ước tính trong khoảng 2-3%) và dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây (phần lớn đều dự báo trong khoảng từ 6,8% - 8,1%), cũng có ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 2021 như Nghị quyết đặt ra là khá thấp. Trước đó tại phiên trả lời chất vấn sáng 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6% là khiêm tốn so với tiềm năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều bất định, nhất là liên quan đến dịch Covid-19 và triển vọng phục hồi chung của kinh tế toàn cầu thì mục tiêu đặt ra như vậy được xem là hài hòa và quyết tâm đặt ra là phải đạt cao hơn. Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau để bất luận trong trường hợp nào chúng ta vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngay trước khi Nghị quyết được biểu quyết thông qua cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020; tính toán, cân đối các nguồn lực; tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; cũng như dự báo bối cảnh, tình hình của năm 2021.
“Việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Nghị quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết và thông tin thêm, các chỉ tiêu khác của năm 2021 được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021. “Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ các chỉ tiêu trên như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Nỗ lực cao nhất để đạt và vượt các mục tiêu đề ra
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nhận định: “Tăng trưởng năm 2021 khả năng khó hồi phục mạnh trở lại vì những rủi ro vẫn còn, đặc biệt là diễn biến Covid trên thế giới vẫn quá khó lường và chưa thấy có dấu hiệu nào rõ nét là thế giới sẽ kiểm soát được tốt. Vì vậy, tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2021 thì có khả năng nhưng để có thể bật lên mức 8% hoặc hơn thì rất khó”.
Đại dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục gây khó cho sản xuất kinh doanh |
Theo chuyên gia này, câu chuyện kiểm soát nhanh và quyết liệt dịch bệnh của Việt Nam đến nay không chỉ giúp hạn chế được rất tốt tác động tiêu cực của Covid mà còn cho thấy một mô hình tăng trưởng mới, trong đó khả năng chống chọi được với các cú sốc như Covid đến đâu sẽ trở thành một tiêu chí rất quan trọng, bên cạnh các tiêu chí về tăng trưởng bền vững và bao trùm. “Một hệ thống chính trị có khả năng phản ứng nhanh, nhất quán, tập trung là những điều kiện và yêu cầu quan trọng để đối phó với các cú sốc như Covid. Thời gian qua Việt Nam đã rất thành công trong vấn đề này và cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Quan trọng nhất lúc này vẫn là giữ không để Covid tái phát trong nước một lần nữa”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh cũng là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết. Theo đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Năm tới cũng là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp. Nỗ lực và quyết tâm cao nhất để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra bởi thế cũng quan trọng không kém.
Nghị quyết đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mang tính định hướng tổng thể để thực hiện được các mục tiêu đề ra cho năm tới. Các ý kiến góp ý về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết của các đại biểu cũng đã được tổng hợp và gửi đến Chính phủ để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện thành công Nghị quyết này. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo đà thuận lợi triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nghị quyết đã chính thức được thông qua, giờ là lúc bắt tay ngay vào hành động để hiện thực hóa.
Các mục tiêu chủ yếu của năm 2021 Tốc độ tăng GDP khoảng 6%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.700 USD; Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; Số lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5%... |